Khát vọng Cu Vai
11/07/2023 12:40:28 SA
16530 lượt xem
In Đọc bài

 Tọa lạc trên một đỉnh núi cao - một địa thế tuyệt đẹp ở vùng núi cao Tây Bắc, nơi có biển mây bồng bềnh hòa vào dáng núi, con người như hòa quyện giữa mây trời, bản Cu Vai, thôn Háng Xê, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu có sức hấp dẫn kỳ lạ, khiến tôi không thể không quay trở lại như đã hứa.

Toàn cảnh bản làng Cu Vai trong mây.

 

 

Nơi đây, sau hơn 10 năm xây dựng cuộc sống mới, tin, nghe, làm theo sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, người dân vẫn giữ nguyên nếp sống, phong tục tập quán cổ truyền, cùng nhau vượt khó, học cách làm kinh tế, đưa bức tranh vùng tái định cư Cu Vai thêm nhiều gam màu tươi sáng.
 
Nhớ lần đầu tiên lên với Cu Vai cách đây gần 10 năm, lúc đó, con đường đến Cu Vai là cả một hành trình gian nan. Độc đạo, hiểm trở, dốc ngược, lổn nhổn đá sỏi với những ổ gà, ổ trâu uốn lượn theo sườn núi. Trời nắng con đường bụi bặm; trời mưa thì trơn trượt. Kỷ niệm không thể quên là dù đã được ngồi trên xe của một tay lái bản cừ khôi nhưng cũng không tránh khỏi việc phải "đo đường”. Con đường nhọc nhằn đó nay chỉ còn lại trong ký ức. 
 
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, con đường "trong mơ” đã trở thành hiện thực khi 10 km lên bản đã được bê tông kiên cố, ô tô đến tận nơi. Chưa đầy nửa tiếng, từ trung tâm huyện Trạm Tấu, chúng tôi đã có mặt tại bản Cu Vai. 
 
Vẫn là cảm giác ngỡ ngàng không diễn tả được bằng lời. Ngày nắng nhưng mây cứ bồng bềnh, vờn quanh người, lướt qua những nếp nhà mái lợp gỗ pơ mu phủ rêu xanh, thấp thoáng sau hàng cây đào, mận thân xù xì xám mốc hai bên đường. 
 
Dạo bước trong bản Cu Vai, tôi cảm nhận rõ một cuộc sống mới no ấm đang hiện hữu. Những ngôi nhà sạch đẹp, hoa trồng hai bên đường rực rỡ khoe sắc trong nắng mới, đường trong bản đang được Nhà nước đầu tư bê tông hóa, các hộ mở rộng chăn nuôi, trồng trọt… cho thấy, từ việc vận động, tuyên truyền cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào Mông nơi đây đã đổi thay tư duy, chăm chỉ, nhạy bén trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế. 
 
Bí thư Chi bộ thôn Háng Xê Mùa A Vàng phấn khởi cho biết: "Bản Cu Vai hiện có 53 hộ với trên 260 nhân khẩu. Người dân trong bản thường gọi Cu Vai là chòm, bởi nơi đây có những nếp nhà của bà con người Mông nằm san sát nhau, quy tụ lại thành một chòm xóm. 
 
Nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật, thâm canh tăng vụ của huyện, đồng bào trong bản đã được tiếp cận với các nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, biết tăng gia sản xuất, trồng ngô thay lúa nương kém hiệu quả, gieo cấy lúa nước, trồng cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm... Sau 12 năm tái định cư, cuộc sống của bà con đã ổn định, tự vươn lên phát triển, không còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước”. 
 

Mô hình phát triển chăn nuôi của gia đình chị Sùng Thị Mỷ ở bản Cu Vai cho thu nhập trên 70 triệu đồng/năm. 

Cùng với dân bản, 12 năm trước, gia đình bà Sùng Thị Mỷ đã rời nơi ở cũ thường xuyên phải đối mặt với những trận lũ quét, sạt lở đất mỗi mùa mưa bão để đến tái định cư tại bản Cu Vai này. Được Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương quan tâm, bố trí đất ở, đất sản xuất, gia đình bà cũng như người dân trong bản đã tích cực trồng lúa, ngô và chăn nuôi. Hiện nay, gia đình có trên 10 con trâu, bò; 13 con lợn và vài chục con gia cầm; thu nhập một năm khoảng 70 triệu đồng. 

 
Bà Mỷ cho biết: "Từ ngày về đây, cán bộ tuyên truyền, động viên nhân dân phải nỗ lực vươn lên, chịu khó chăn nuôi, trồng trọt thì mới có cuộc sống đủ đầy. Đến nay, đường sá lên bản thuận tiện, trẻ con được đi học đầy đủ, chúng tôi rất yên tâm và nỗ lực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào tăng gia, sản xuất để có cuộc sống tốt hơn”… 
 
Cu Vai yên bình được bao phủ trong mây trời và núi non hùng vĩ. Nơi đây được coi là điểm đến để săn mây rất độc đáo với những người thích trải nghiệm thử thách, yêu thiên nhiên và cảnh đẹp. Những nét độc đáo trong bản sắc văn hóa truyền thống cũng tạo cho nơi đây sức hấp dẫn rất riêng. 
 
Từ lợi thế đó và nhận thấy khách du lịch ở nhiều nơi thường hay đến bản tham quan, trải nghiệm nhưng không có chỗ nghỉ lại nên một vài hộ dân trong bản đã học cách làm du lịch, làm các nhà nghỉ cộng đồng, các chòi săn mây để phục vụ du khách. 
 
Ông Mùa A Vư vừa hoàn thành mô hình homestay gia đình với kinh phí 500 triệu đồng để phục vụ khách du lịch cho biết: "Cu Vai vào mỗi buổi sáng sớm rất đẹp bởi những thung lũng mây trắng. Để du khách đến bản có cơ hội trải nghiệm cảnh đẹp mỗi sớm, homestay của gia đình được xây dựng mang đúng bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Ở đây, mọi thứ vẫn còn rất đơn giản, nếu du khách có nhu cầu về ẩm thực thì sẽ là các sản phẩm tự cung tự cấp của gia đình. Tôi hy vọng trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm định hướng cho bà con trong bản để phát triển du lịch, tạo cơ hội để bà con vươn lên phát triển kinh tế”. 
 
Hướng đi đúng đã thúc đẩy kinh tế của bản tăng trưởng, trong bản đã có gần chục hộ phát triển kinh tế khá; hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4%, 100% con em trong độ tuổi đều đến trường, 60% số gia đình đạt gia đình văn hóa…
 
Theo bà con ở đây, bản Cu Vai mùa nào cũng có sức hút riêng, nhưng đẹp nhất là mùa xuân. Dọc lối lên bản và trong bản rực rỡ sắc hồng của hoa đào, màu trắng tinh khôi của hoa mận, điểm xuyết trong bảng lảng mây mờ ảo khiến ai đến cũng có cảm giác lạc vào miền cổ tích. 
 
Nhận thấy lợi thế du lịch từ bản Cu Vai - nơi được ví như chốn bồng lai tiên cảnh của núi rừng Tây Bắc cùng sự độc đáo trong bản sắc văn hóa riêng, sự hồn hậu, thân thiện của bà con nơi đây, chính quyền huyện Trạm Tấu đang nỗ lực khai thác những tiềm năng, thế mạnh để phát triển văn hóa và du lịch cộng đồng. 
 
Đồng chí Dương Phương Thảo - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trạm Tấu cho biết: Để Cu Vai sẽ là bản người Mông đẹp nhất Tây Bắc vào năm 2025 như định hướng của huyện, chúng tôi đã tham mưu tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc tại điểm Cu Vai. Đồng thời, vận động các hộ gia đình làm mô hình du lịch cộng đồng, trồng hoa hai bên đường để đảm bảo cảnh quan, hướng dẫn các hộ giữ vệ sinh môi trường xung quanh nhà, bán các sản phẩm truyền thống của địa phương như: thổ cẩm, dao rèn và các sản phẩm nông nghiệp; vận động bà con tích cực tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa dân tộc Mông… 
 
Huyện cũng đang đẩy nhanh tiến độ bê tông con đường trong bản nhằm mở ra nhiều cơ hội mới cho bà con trong phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái. Cùng với đó, tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh chung tay để xây dựng Cu Vai sớm trở thành điểm du lịch ưa thích của du khách. 
 
Chia tay Cu Vai khi trời xế chiều, các bà mẹ người Mông trên tay thoăn thoắt xe vuốt những sợi lanh đến đón con ở điểm lẻ Trường Mầm non Hoa Hồng, bản Cu Vai. Tiếng nói, tiếng cười của các bà, các mẹ, tiếng réo gọi nhau tíu tít của trẻ con làm không gian bình yên nơi bản làng trong mây trở nên rộn ràng. Tôi đã mường tượng ngày rất gần, bản người Mông Cu Vai sẽ là địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách đến, lưu trú lại để săn mây lúc bình minh, thưởng thức gà đen, lợn bản, được đắm say trong văn hóa dân tộc Mông… 
 
Biết rằng còn đó nhiều bộn bề, khó khăn, nhọc nhằn, song những con đường đã và đang hoàn thành; những dự định, kế hoạch trước mắt cũng như lâu dài của huyện cùng sự chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực, tự vươn lên của mỗi người dân bản, tôi tin vào một tương lai ấm no, hạnh phúc và bình yên của Cu Vai.  
 
Theo Báo Yên Bái

đã tặng

Các tin khác:

1-5 of 38<  1  2  3  4  5  6  7  8  >

Thư viện ảnh

      

Lượt truy cập