Giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, kích thích hoạt động mua sắm, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số trên địa bàn, huyện Trạm Tấu đã thực hiện mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ trung tâm thị trấn.
Người dân Trạm Tấu làm quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ trung tâm huyện.
Trong điều kiện khó khăn của một huyện vùng cao, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, để mô hình đạt hiệu quả, Trạm Tấu xác định tập trung cho công tác tuyên truyền. Thông qua ngày hội thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ, hệ thống băng rôn, biển hiệu, qua các bảng tin, phương tiện thông tin đại chúng… để nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương, nhất là các tiểu thương kinh doanh tại chợ và người dân về việc thực hiện xây dựng mô hình chợ 4.0.
Đồng chí Nguyễn Thành Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: "Mục tiêu mà Trạm Tấu hướng đến khi triển khai mô hình này là đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại. Đồng thời giúp cho hộ kinh doanh tiếp cận với công nghệ thanh toán là xu hướng trên thế giới với những giá trị lợi ích cụ thể như: giảm rủi ro tiền rách, tiết kiệm công sức quản lý, giảm thiểu thời gian đi lại và chờ đợi rút tiền tại ngân hàng, dễ dàng quản lý tiền bằng công nghệ…”.
Đảm bảo triển khai thành công mô hình chợ 4.0, Trạm Tấu đã xác định lộ trình thực hiện cụ thể theo từng bước như: tổ chức tuyên truyền đến các tiểu thương kinh doanh tại chợ và người dân về việc thực hiện xây dựng mô hình chợ 4.0; rà soát, hướng dẫn các hộ kinh doanh trong chợ đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2; mở tài khoản thanh toán; lắp đặt hệ thống Wifi sử dụng miễn phí; trang bị mã QR Code thanh toán không dùng tiền mặt và cuối cùng là triển khai thanh toán, mua bán không dùng tiền mặt.
Đặc biệt, các ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán và các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn huyện sẽ tích cực hỗ trợ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng; phát triển các tiện ích thanh toán trên thiết bị di động như: QR Code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc, ví diện tử, Mobile Money...; khuyến khích triển khai các hình thức miễn, giảm phí, khuyến mãi, giảm giá... đối với khách hàng khi sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại trung tâm huyện.
"Thực hiện vai trò của mình, Phòng Văn hóa - Thông tin Trạm Tấu đã thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc; chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng thành công mô hình chợ 4.0 tại chợ trung tâm huyện. Từ đó, sẽ tập trung cao chất lượng, hiệu quả và nhân rộng mô hình này trên địa bàn” - đồng chí Dương Phương Thảo - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết.
Huyện phấn đấu đến tháng 12/2023, 100% giao dịch mua, bán giữa tiểu thương và khách hàng; thanh toán các khoản phí, vệ sinh môi trường, điện, nước giữa tiểu thương và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng; nộp thuế qua tài khoản và biên lại điện tử không dùng tiền mặt. Việc triển khai mô hình chợ 4.0 ở chợ Trung tâm huyện Trạm Tấu góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số trên địa bàn.
Theo Báo Yên Bái